LÀM CHỦ PHƯƠNG PHÁP – LÀM CHỦ TƯƠNG LAI

Bước chân vào môi trường đại học, các bạn sinh viên năm nhất được tiếp xúc với các môn học đại cương, mang tính hàn lâm hoặc một số môn học khác lại mang tính thực tiễn cao, khác so với những môn học các bạn từng học trước đây. Ngoài ra, khi lên đại học, các bạn cũng sẽ cần có tinh thần tự học cao, luôn chủ động tìm tòi và trau dồi thêm. Vì vậy mà nhiều bạn thấy khó khăn trong việc học bởi các phương pháp thường dùng trước đó đã không còn phù hợp, hữu dụng như trong Phần 1 chúng ta đã tìm hiểu. Hôm nay, ở phần 2 này, HRC sẽ giới thiệu cho bạn 2 chiến lược học tập đã được các nhà khoa học chứng minh có hiệu quả dài lâu tới việc học của người áp dụng: Self-testing và Distributed Practice.

Vậy 2 phương pháp này là gì?

  • Self-testing (Practice Testing) là phương pháp người học tự kiểm tra kiến thức của bản thân qua các cách khác nhau. 
  • Distributed Practice (Spaced Repetition) là phương pháp người học ôn tập các kiến thức đã học 1 cách ngắt quãng. 

Vì sao các phương pháp này lại hiệu quả?

  • Tăng khả năng ghi nhớ. Ôn tập kiến thức một cách ngắt quãng giúp não bộ có thời gian nghỉ ngơi mà vẫn ghi nhớ thông tin lại trước khi bị phai mờ. Bạn đọc cũng có thể xem thêm về The Forgetting Curve để hiểu thêm về cách Spaced Repetition giúp ích cho việc ghi nhớ. 
  • Có cái nhìn tổng quan về tiến độ học tập. Bằng việc kiểm tra kiến thức cũng như ôn tập ngắt quãng, ta có thể có một cái nhìn tổng quan về tiến độ học tập của mình, xác định được rõ những phần cần phải củng cố thêm, từ đó xây dựng kế hoạch học tập phù hợp.
  • Tâm lý học tập thoải mái, không bị áp lực đè nặng. Thực tế, các bạn sinh viên thường có xu hướng “nhồi” 1 lượng lớn các kiến thức trước khi thi, tuy nhiên, nếu áp dụng Spaced Repetition, người học sẽ chia ra thành các buổi ôn tập nhỏ, chia nhỏ lượng thông tin tiếp nhận, cách nhau 1 khoảng thời gian nhất định thay vì dồn vào 1 lần duy nhất. 
  • Có thể áp dụng được với tất cả mọi người. Qua một số nghiên cứu lên các nhóm độ tuổi khác nhau, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng dù bạn có là sinh viên năm nhất, học sinh lớp 3, hay tiến sĩ thì đều có thể áp dụng 2 phương pháp này để giúp việc học thêm hiệu quả, góp phần không nhỏ trong chặng đường học tập suốt đời của mình.

Áp dụng các phương pháp này thế nào để hiệu quả? 

Một cách để có thể tối ưu hóa hiệu quả của 2 phương pháp này là kết hợp cả 2 phương pháp với nhau trong quá trình học của mình. Sau đây là một gợi ý giúp bạn áp dụng 2 phương pháp này với nhau: 

Bước 1: 

  • Sau mỗi buổi học, dành 15 phút xem lại toàn bộ kiến thức mình vừa học. 
  • Trong 15 phút này, đặt câu hỏi cho bản thân về nội dung kiến thức đã học. Bắt đầu hỏi từ những thứ căn bản, tổng quan nhất, sau khi đã nắm được những nội dung chính, đặt những câu hỏi đi sâu về chi tiết bài học. Các bạn sinh viên có thể áp dụng mô hình 5W1H (Why, What, Where, Who, When, How) để đặt câu hỏi một cách toàn diện nhất và tuần tự về nội dung kiến thức mình vừa được học. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về mô hình này tại đây.

Bước 2: Tự thưởng cho bản thân một khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn khoảng 20’ sau 1 buổi học dài với rất nhiều kiến thức mới.

Bước 3: 

  • Sau thời gian nghỉ ngơi, cố gắng nhớ lại phần kiến thức vừa ôn tập
  • Sử dụng Flashcards để ghi lại những phần kiến thức phức tạp hoặc khó nhớ. Có thể sử dụng Flashcards online trên các ứng dụng như Quizlet, Cram, Brainscape, Anki, SuperMemo, … hoặc tự làm những chiếc Flashcards của riêng mình trên giấy
  • Một cách nữa là sử dụng sơ đồ tư duy để hệ thống lại các phần kiến thức

Bước 4: 

  • Tối hôm đó và sáng hôm sau nhắc lại phần kiến thức 1 lần nữa. 
  • Người học có thể ôn lại bằng flashcards mình làm trước đó bằng cách che đi 1 phần thông tin rồi cố gắng nhớ lại phần thông tin đó. 
  • Giảng lại nội dung kiến thức cho một người khác cũng là một cách hiệu quả bởi mỗi 1 một lần giảng sẽ là một lần sinh viên được ôn tập lại phần kiến thức cũng như để xem bản thân đã hiểu được tường tận nội dung kiến thức chưa.

Bước 5: 

  • Tiếp đó khoảng cách giữa những lần ôn tập dần được giãn xa nhau hơn, ví dụ: Từ 2-3 ngày thành 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng hoặc xa hơn thế nữa. 
  • Trong khoảng thời gian này, người học chủ động làm các bài kiểm tra về phần kiến thức vừa học
  • Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các dạng bài cần active recall (chủ động gợi nhớ) như câu trả lời ngắn, điền vào chỗ trống thì kiến thức sẽ được lưu giữ lâu hơn so với các dạng bài nhận biết (trắc nghiệm).

Tuy nhiên, kế hoạch học tập này cũng chỉ là một đề xuất trong vô vàn các cách áp dụng khác nhau, bạn có thể điều chỉnh lịch trình cũng như sử dụng các phương pháp khác nhau 1 cách linh hoạt để phù hợp với môn học cũng như phù hợp với bản thân mình bởi không hề có một cách áp dụng “đúng” nào cho tất cả mọi người. 

Một điểm quan trọng là người áp dụng phải kéo giãn khoảng cách giữa các lần ôn tập và việc kéo hay giãn khoảng cách cũng phụ thuộc vào việc bạn nắm được kiến thức đến bao nhiêu, ví dụ nếu mới chỉ nắm được một phần nhỏ kiến thức, bạn nên rút ngắn thời gian nghỉ giữa các lần ôn tập, còn nếu đã nắm hơn 70% thì bạn có thể kéo dài khoảng cách giữa các lần ôn hơn. Đồng thời, tần suất tự kiểm tra sẽ phụ thuộc vào độ phức tạp của thông tin bạn tiếp thu, chẳng hạn như các môn học nặng về lý thuyết hay công thức toán học cồng kềnh thì thường sẽ cần nhiều sự luyện tập, kiểm tra hơn.

Những khó khăn có thể gặp phải trong quá trình áp dụng

Đặc điểm nổi bật nhất của 2 chiến lược này chính là cần nhiều thời gian để nhìn thấy được “trái ngọt”. Cũng vì điều này mà nhiều bạn sinh viên năm nhất thường ưa chuộng việc “học nhồi” hơn bởi nó giúp các bạn có kết quả tốt về mặt ngắn hạn. Nhưng học tập là cả một quãng đường dài, không chỉ dừng lại ở bậc đại học mà cả sau này, khi đã tốt nghiệp, chúng ta sẽ phải áp dụng những kiến thức được học ở đại học vào đời sống, cũng như tiếp tục trau dồi những kiến thức, kỹ năng mới, đặc biệt là trong thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay. Vì vậy, “học nhồi” chỉ là một biện pháp ngắn hạn, còn 2 phương pháp đã được nêu ra có thể giúp người học ghi nhớ phần thông tin một cách ổn định và bền vững hơn

Một trong những khó khăn các bạn sinh viên gặp phải là chưa biết phân bổ thời gian học tập sao cho hợp lý. Điểm mấu chốt của Spaced Repetition chính là “ngắt quãng”, bạn sẽ không cần phải học nó hàng ngày nên bạn chỉ cần xác định khoảng thời gian phù hợp giữa các lần ôn tập để lên kế hoạch học tập hợp lý. Một số các công cụ có thể giúp các bạn sinh viên năm nhất phân bố thời gian của mình một cách dễ dàng mà vẫn nắm được các công việc cần làm có thể kể đến: Google Calendar, Trello, Forest, … 

Một yếu tố khác khiến các bạn không thành công trong việc áp dụng các phương pháp này có lẽ là bởi căn bệnh thế kỷ mang tên “lười”. Chính vì căn bệnh này mà các bạn sinh viên thường có thói quen đến sát ngày thi mới bắt đầu ôn tập, hậu quả là khối lượng kiến thức ôn tập ứ đọng và “nhồi” trở thành phương pháp duy nhất các bạn có thể dùng. 

Lời cuối

Một chiến lược học dù có hiệu quả đến đâu mà bản thân người học không có sự nỗ lực, cố gắng thì cũng sẽ không có được kết quả tốt như mong đợi. Vì thế, mấu chốt để có thể áp dụng thành công 2 chiến lược này, đó chính là “be resilient, be motivated” bởi vì “Genius is nothing but a great capacity for patience” (George-Louis Buffon). Bạn cũng có thể xem thêm về 2 phương pháp này tại đây:  Master Spaced Repetition Use Self-testing to learn faster

 

Tìm đọc các bài viết khác cùng chủ đề tại đây: 

Kỹ năng nghiên cứu – cách “sinh tồn” ở môi trường đại học

[MÁCH BẠN] Học cách để hỏi – Không phải ai cũng là Google của bạn!