VIẾT THÔNG TIN CÁ NHÂN VÀ MỤC TIÊU NGHỀ NGHIỆP TRONG CV: TƯỞNG DỄ MÀ LẠI KHÓ

Thời điểm cuối năm là thời điểm bùng nổ với hàng loạt công việc hấp dẫn từ các doanh nghiệp lớn và nhỏ. Hầu hết các doanh nghiệp đều yêu cầu CV trong vòng đầu tiên.  CV không chỉ đơn thuần là bản tóm tắt quá trình học tập và làm việc, mà còn là cách thể hiện bản thân một cách ngắn gọn và súc tích nhất. Liệu bạn có được đi tiếp vào vòng trong không, hay bạn phù hợp với những tiêu chí của doanh nghiệp như thế nào, tất cả đều sẽ được đánh giá qua CV. Chính vì thế, chúng ta cần chỉn chu ngay từ những bước đầu tiên khi chuẩn bị. Trong CV, hai phần tưởng chừng đơn giản nhưng ứng viên lại mắc lỗi nhất chính là Thông tin cá nhânMục tiêu nghề nghiệp . Liệu bạn đã cung cấp đủ thông tin khi viết hai phần này chưa? Chúng ta cần tránh mắc lỗi gì khi viết hai phần này? Nếu bạn đang chuẩn bị nộp CV và băn khoăn với những câu hỏi này, series #ChuaCVcungHRC sẽ giúp bạn có được câu trả lời. 

Trước hết chúng ta cần hiểu rõ CV là gì và CV có tác dụng gì.

CV LÀ GÌ? 

CV là dạng viết tắt của từ La-tin Curriculum Vitae, được dịch thuần túy là “hành trình cuộc đời”. CV là một bản miêu tả hành trình sự nghiệp của bạn một cách chi tiết, bao gồm cả những thông tin cá nhân.  CV lý tưởng là yêu cầu không thể thiếu trong quá trình ứng tuyển, giúp nhà tuyển dụng sàng lọc và chọn ra ứng viên phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

VẬY CỤ THỂ CV CÓ TÁC DỤNG GÌ TRONG QUÁ TRÌNH ỨNG TUYỂN?  . 

1. Tạo ấn tượng ban đầu với nhà tuyển dụng

CV là điểm chạm đầu tiên giữa ứng viên và nhà tuyển dụng, nên nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo ấn tượng ban đầu. Một CV được trình bày chuyên nghiệp, dễ đọc, và súc tích sẽ giúp bạn nổi bật giữa hàng loạt ứng viên khác. Thông qua CV, nhà tuyển dụng có thể đánh giá được sự nghiêm túc và chuyên môn của bạn.

2.Thể hiện sự phù hợp về kinh nghiệm và kỹ năng đối với vị trí ứng tuyển

CV đóng vai trò là bản tóm tắt ngắn gọn về quá trình làm việc và kỹ năng của ứng viên. Thay vì cung cấp quá nhiều chi tiết, CV phải làm nổi bật những những kết quả, thành tựu và kỹ năng quan trọng mà bạn đã đạt được. Từ đó, cho thấy khả năng cống hiến của bạn với sự phát triển của công ty.

3.Thể hiện sự nghiêm túc, cam kết đối với vị trí ứng tuyển

Một CV thể hiện sự nghiêm túc trong nghề nghiệp và ý định gắn bó lâu dài cho thấy ứng viên không chỉ phù hợp với vị trí tuyển dụng mà còn có tiềm năng đóng góp lâu dài cho sự phát triển của tổ chức, giúp giảm thiểu chi phí đào tạo và tuyển dụng trong tương lai, từ đó sẽ tạo được ấn tượng nhất định trong mắt nhà tuyển dụng. Điều này được thể hiện qua phần Mục tiêu nghề nghiệp trong CV. Phần Mục tiêu nghề nghiệp sẽ giúp bạn thể hiện tầm nhìn dài hạn của mình và cho thấy bạn không chỉ quan tâm đến công việc hiện tại mà còn đang xây dựng sự nghiệp của bản thân. Ngoài ra, CV còn là một minh chứng cho phong cách làm việc của bạn. Từ cách trình bày, lựa chọn từ ngữ cho đến nội dung, tất cả đều phản ánh mức độ chuẩn bị và sự chuyên nghiệp của bạn.

CẤU TRÚC CỦA MỘT CV HOÀN CHỈNH

Để các bạn có thể hiểu rõ hơn về những lưu ý khi viết phần Thông tin cá nhân và Mục tiêu nghề nghiệp, hãy cùng HRC đi sâu vào nghiên cứu một CV cụ thể nha! 

*Đây là CV của bạn Nguyễn Văn A khi bạn ứng tuyển vào vị trí Marketing Intern. 

THÔNG TIN CÁ NHÂN 

Tưởng chừng đơn giản nhưng đây là phần ứng viên hay mắc lỗi nhiều nhất khi viết CV, đặc biệt là những lỗi về mặt hình thức tuy nhỏ nhưng có thể khiến ứng viên mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Để ghi điểm tuyệt đối phần này, ứng viên có thể áp dụng khái niệm reader-oriented. 

*reader-oriented: là khái niệm để chỉ nội dung của người viết tập trung vào trải nghiệm người đọc. Trong việc viết CV, bạn cần trình bày thông tin sao cho rõ ràng, dễ hiểu và phù hợp với nhu cầu của họ, giúp nhà tuyển dụng dễ dàng nhận ra giá trị bạn mang lại cho vị trí công việc.

Vậy chúng ta có thể áp dụng khái niệm này như thế nào?

1.Dùng email trang trọng 

Email chỉ là một phần nhỏ trong mục Thông tin cá nhân của ứng viên và thường không được ứng viên chú trọng. Và một email trang trọng sẽ cho thấy mức độ chuyên nghiệp và sự nghiêm túc của bạn đối với vị trí ứng tuyển. 

Vì vậy, HRC gợi ý bạn có thể tạo và dùng những địa chỉ email là tên của bạn hay kèm theo ngày tháng năm sinh *. 

2.Ngắt số điện thoại

Việc ngắt số điện thoại sẽ giúp số điện thoại của bạn trông gọn gàng hơn, từ đó giúp CV trang trọng hơn và tạo được ấn tượng tốt đối với nhà tuyển dụng

3.Cung cấp những thông tin cần thiết

Phần thông tin cá nhân nên được trình bày ngắn gọn trong 3-4 dòng, vì vậy, bạn nên lược bỏ một số thông tin không cần thiết để tập trung vào các thông tin chính. Bạn không nên cung cấp thông tin về ngày tháng năm sinh, tình trạng hôn nhân hay tình trạng sức khỏe, trừ khi được yêu cầu nhé.

4.Chất lượng ảnh tốt

Khi thêm ảnh vào phần thông tin cá nhân thì bạn nên chọn những bức ảnh đảm bảo các tiêu chí: lịch sự, nhìn rõ mặt, cân đối và có kích thước và bố cục của ảnh phù hợp. Ngoài ra bạn nên chỉnh ảnh để đảm bảo chiều dài của bức ảnh bằng số dòng của thông tin cá nhân để không tạo ra khoảng trống thừa.

 

KHÁI QUÁT VỀ BẢN THÂN (PERSONAL STATEMENT)

Đây là phần không bắt buộc, nhưng chúng mình khuyên bạn nên có, đặc biệt là với những bạn ứng tuyển vào chuyên ngành khác với ngành đang học. Đây sẽ là phần tiên quyết giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. 

Từ khóa cho phần này chính là ngắn gọn, tầm 150 từ là vừa đủ. 

Nếu bạn có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bạn ứng tuyển thì bạn nên viết ngắn gọn lộ trình nghề nghiệp và thành tích đã đạt được. Ngược lại, nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn nên nêu bật những kỹ năng bạn đã thành thạo phù hợp với vị trí ứng tuyển. 

Bên cạnh đó, bạn cũng nên đưa ra mục tiêu ngắn hạn và dài hạn liên quan đến ngành nghề mình ứng tuyển. 

Phần Personal Statement  nên đi theo trình tự các bước:

Bước 1: giới thiệu ngắn gọn về bản thân và vị trí nghề nghiệp. Bạn có thể nói về chuyên ngành học hiện tại, hoặc nói một vài điều bạn thích nhất ở ngành và lý do bạn tham gia ứng tuyển vào vị trí công việc.. 

Bước 2: cho thấy điểm mạnh của bạn. Bạn nên làm nổi bật một vài thành tựu chính, những kỹ năng bạn đã đạt được liên quan trực tiếp đến ngành nghề bạn đang ứng tuyển.

Bước 3: đưa ra mục tiêu nghề nghiệp. Ở phần này, bạn nên tóm gọn lại lý do vì sao bạn  ứng tuyển vào vị trí công việc và những mục tiêu, kỳ vọng của bạn trong tương lai. 

Một số lỗi ứng viên hay mắc phải ở mục này bao gồm:

1.Cách diễn đạt dài dòng, thiếu chuyên nghiệp

Bạn nên nêu phần này ngắn gọn để nhà tuyển dụng dễ theo dõi và tập trung vào những phần quan trọng hơn. Ngoài ra, bạn nên tránh sử dụng các tính từ miêu tả bản thân mang tính chủ quan cá nhân, kém chuyên nghiệp và đưa ra mục tiêu chung chung.

VD: không nên sử dụng những từ như rất hy vọng, cố gắng hết mình, nhiệt tình, vui vẻ,….

2.Chưa chia thành mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, có mốc thời gian cụ thể, rõ ràng

Chia mục tiêu nghề nghiệp thành ngắn hạn, dài hạn với mốc thời gian cụ thể giúp bạn thể hiện định hướng rõ ràng và khả năng lập kế hoạch. Điều này cho thấy bạn biết mình muốn gì và có chiến lược phát triển sự nghiệp cụ thể, giúp nhà tuyển dụng đánh giá bạn là người có cam kết, chủ động, và phù hợp với tầm nhìn của công ty. Thông thường bạn nên chia mục tiêu thành 2 giai đoạn:

+ Ngắn hạn (1-2 năm)

+ Dài hạn (3-5 năm)

3.Mục tiêu chưa cụ thể, rõ ràng, có định lượng và phù hợp 

Mục tiêu không rõ ràng, thiếu cụ thể và định lượng có thể làm giảm sức hút của CV, khiến nhà tuyển dụng khó nắm bắt định hướng của bạn. Điều này cho thấy sự thiếu chuẩn bị và kế hoạch phát triển chi tiết, thực tế khiến bạn trở nên kém thuyết phục và khó chứng minh sự phù hợp với yêu cầu công việc hoặc tầm nhìn của công ty. Vì vậy, mục tiêu nghề nghiệp của bạn phải đảm bảo phù hợp với vị trí ứng tuyển và có tính thực tế, khả thi.

Ví dụ: 

Đối với vị trí Thực tập sinh Marketing, phần mục tiêu nghề nghiệp bạn nên viết:

Mục tiêu ngắn hạn: Tôi mong muốn có cơ hội thực tập tại Quý công ty để trau dồi, học hỏi các kỹ năng cần thiết như Google Ads, Google Analytics,…góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.  

Mục tiêu dài hạn: Trong vòng 3 năm tới tôi đặt mục tiêu trở thành Chuyên viên Marketing với kiến thức chuyên sâu về Digital Marketing

HRC hy vọng rằng, qua bài viết này, các bạn đã có một hình dung tổng quan và chi tiết về cách viết phần Thông tin cá nhân và Mục tiêu nghề nghiệp trong CV để chuẩn bị tốt nhất cho những vị trí bạn ứng tuyển sắp tới. Bạn có thể không viết hay ngay lần đầu, nhưng qua quá trình thử, sai và sửa, HRC tin rằng CV của bạn sẽ trở nên xuất sắc hơn nhiều. Chúc bạn thành công! Hãy cùng đón chờ những bài viết sắp tới của series #ChuaCVcungHRC bạn nhé! Và đừng quên ứng tuyển những vị trí việc làm hấp dẫn nhất tại website của HRC hrc.com.vn để nắm bắt cơ hội ngay hôm nay bạn nhé!