Những bài học đáng giá không dành cho riêng ai – Làm thế nào để không bỏ lỡ những cơ hội này?

Cuộc thi sinh viên – Hành trình ra biển lớn

Bạn có nhận ra rằng đều là cuộc thi nhưng ở cấp 3 các bạn học sinh rất sợ thi học kì, thi Đại học nhưng khi lên Đại học thì sinh viên lại rất chủ động và hào hứng tham gia Các cuộc thi sinh viên mặc dù nó không bắt buộc hay không? Thực ra dù là cuộc thi nào thì đều có áp lực và giá trị riêng của nó, nhưng khác nhau là việc khi đến với các cuộc thi sinh viên các bạn thí sinh đang từng bước dẹp bỏ nỗi sợ của mình sang một bên, thử sức của mình với những điều mới mẻ và tìm kiếm cơ hội cho riêng mình.

Cũng có nhiều bạn đang băn khoăn:

Tôi không biết mình có nên đi thi không?

Mình không biết mình sẽ nhận được gì khi đi thi?

Mình sẽ phải bỏ ra nhiều thời gian và sức lực như thế có đáng không?

Chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh các quán quân hay á quân trên phương tiện thông tin đại chúng với những giải thưởng lớn cùng những cơ hội việc làm đáng mơ ước. Nhưng kể cả không chiến thắng, bạn có thể nhận được gì? 

Hào quang không chỉ dành riêng cho người chiến thắng

Bạn không thể chắc chắn việc mình đạt giải thưởng ở cuộc thi nào đó, nhưng bạn chắc chắn sẽ có CƠ HỘI nhận được nhiều điều bổ ích khác. Điều quan trọng LÀM THẾ NÀO để cơ hội đó không trôi qua vô ích.

 

  1. Cơ hội định vị bản thân

Cuộc thi sinh viên sẽ cho bạn cơ hội chứng minh năng lực và giá trị bản thân trên thị trường tuyển dụng trước mặt chính những nhà tuyển dụng hay đơn giản là cho chính bạn. 

  • Sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ phát huy tác dụng:
    • Hãy chắc chắn mình hiểu rõ cuộc thi: Để chơi hay bạn cần biết mình chơi ở địa hình nào. Đến với cuộc thi, không chỉ thời gian, địa điểm, thể lệ của cuộc thi mà bạn cần quan tâm liệu các yếu tố khác để đưa ra chiến lược riêng bản thân. Bạn có thể cân nhắc sử dụng SWOT và phân tích các yếu tố Strength (Điểm mạnh), Weakness (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội của mình để phát huy điểm mạnh ở đâu), Threats (Những phần nào sẽ gây thách thức cho bản thân mình) để có một cái nhìn hiệu quả.
  • Chuẩn bị cho mình hành trang cả về kiến thức, kĩ năng cần thiết cũng như chuẩn bị tinh thầnquỹ thời gian đủ để bạn có thể hết mình với cuộc thi. Với những cuộc thi đồng đội thì việc chuẩn bị để chắc chắn mọi người đều sẵn sàng và đảm bảo sự hiệu quả khi làm việc nhóm cũng là một điều quan trọng để chuẩn bị. Bạn có thể tham khảo tại:
  • Học hỏi từ những thất bại: Nếu khởi đầu với bạn chưa được suôn sẻ thì đừng lo. Như anh Ngô Hưng Thế Anh quán quân UVTN 2020 có chia sẻ trong đêm chung kết rằng Anh cũng đã từng trải qua 5 10 15 cuộc thi thất bại đau đớn trước khi tỏa sáng tại UVTN. Không có con đường nào dễ dàng ngay khi mới bắt đầu, vì thế hãy xem đó là bước chạy đà, để thử sức, học hỏi và rút kinh nghiệm cho mình. Chính những kinh nghiệm khi bạn thất bại sẽ khiến bạn nhớ mãi và hạn chế được nó ở các cuộc thi sau. Khi bạn biết học hỏi từ những thất bại cũng là lúc bạn tìm được hào quang cho riêng mình và sự bền bỉ sẽ giúp bạn mang hào quang đó đến đúng sân khấu bạn muốn đứng. 
  1.           Cơ hội khám phá ngành nghề yêu thích 

Hiện nay khi ngày càng nhiều cuộc thi mở ra ở mọi lĩnh vực và nhiều cuộc thi đa ngành nghề, nếu bạn là một người đang muốn tìm ngành nghề mình yêu thích mà còn ngần ngại mình chưa thể đi làm để thử thì cuộc thi có thể là nơi tuyệt vời cho bạn.

  •  Đừng sợ nếu bạn chưa tự tin về kiến thức trong ngành này: Nếu bạn là sinh viên muốn làm và thi trái ngành, đừng lo vì theo thống kê có đến 60% sinh viên Việt Nam làm trái ngành đào tạo. Bạn không hề cô đơn trên con đường tìm kiếm đúng ngành nghề mình yêu thích. Điều quan trọng khi đến với cuộc thi là để thử và trải nghiệm, nên kể cả khi kết quả chưa được như mong muốn thì việc thử sức này như một bài kiểm tra giúp bạn xem xét sự phù hợp của mình với đặc tính của ngành nghề này. Bạn có thể giành thời gian để tìm hiểu những kiến thức và kĩ năng cơ bản trước khi tham gia thi để thêm phần tự tin và cũng để hiểu hơn ngành này có hợp với mình không. Cuộc thi sẽ giúp bạn xác nhận hơn điều đó.
  • Tâm lý cởi mở và chủ động học hỏi là chìa khóa giúp bạn tìm hiểu nhiều điều mới mẻ: Tại các cuộc thi bạn sẽ trực tiếp được gặp gỡ với những người trong ngành. Không chỉ giám khảo hay mentors mà các thí sinh khác cũng có thể giúp bạn có những cái nhìn sâu hơn về ngành nghề. Bạn có thể cất lại bớt những cảm xúc cá nhân về một ngành nghề nào đó, đến với cuộc thi bằng tinh thần cởi mở, khách quan và học hỏi. Một thái độ tôn trọng và cầu tiến sẽ dễ gây cảm tình với mọi người và họ có thể họ sẽ giúp bạn biết điều bạn muốn biết.
  1.   Cơ hội kiểm tra năng lực bản thân:

Bạn cũng có thể xem các cuộc thi như các cột mốc để kiểm tra bản thân ở đâu trên con đường sự nghiệp bạn mong muốn, sau mỗi giai đoạn bạn đã tiến được bao xa. Để có thể kiểm tra chính xác:

  • Bạn nên biết mình cần kiểm tra điều gì? Sau khi học một khóa học về giải case, bạn nên tìm tới một cuộc thi giải case để kiểm tra và thực hành những gì mình đã học. Hoặc bạn muốn biết mình đã đủ kiến để đi thực tập/làm thêm chưa bạn đến cuộc thi để kiểm tra kiến thức của mình.
  • Các cuộc thi khác nhau cho những giai đoạn khác nhau: Mỗi cuộc thi sẽ có hình thức khác nhau và tất nhiên giúp bạn kiểm tra những yếu tố khác nhau. Nếu bạn là một sinh viên sắp tốt nghiệp và hướng tới một vị trí công việc tại các tập đoàn lớn thì các Cuộc thi mô phỏng quá trình tuyển dụng như UVTN có lẽ sẽ giúp bạn kiểm tra xem mình đã sẵn sàng bước ra thị trường tuyển dụng sắp tới chưa
  1.   Cơ hội mở rộng mạng lưới network

Đối với các sinh viên khối ngành Kinh tế nói riêng thì mạng lưới network là một điều vô cùng quan trọng. Tham gia các cuộc thi sinh viên không chỉ cho bạn gặp gỡ các vị giám khảo, các mentors nhiều kinh nghiệm mà còn là cơ hội kết bạn với bạn bè đến từ nhiều nơi. 

  • Để mở rộng các mối quan hệ thì cởi mở là một yếu tố quan trọng: Bên cạnh sự căng thẳng của cuộc thi thì luôn có thời gian cho giao lưu với mọi người. Thời gian đó chính là lúc mọi người có thể hiểu hơn về tính cách và phong cách của nhau qua những câu chuyện ngoại lề, những chuyện vui trong cuộc thi hoặc trong cuộc sống. Đừng ngại bắt chuyện trước với một người mới quen.  Bắt đầu với những câu chuyện về sở thích, địa điểm vui chơi, lý do tham gia thi hay những chuyện dở khóc dở cười trong cuộc sống có thể sẽ là cách hiệu quả. 
  • Nổi bật theo cách của riêng mình: Trước khi có thể kết bạn thì mọi người cần nhớ bạn là ai và bạn có gì nổi bật. Nên nếu bạn có sở thích hay tài năng nào nổi bật, đừng ngần ngại thể hiện ra vì biết đâu đó có thể là nét nổi bật khiến mọi người nhớ tới bạn. 
  1. Cơ hội tích lũy thêm kinh nghiệm 

Bên cạnh việc học tập, tham gia câu lạc bộ hay đi làm thêm thì việc tham gia cuộc thi sinh viên cũng sẽ mang lại cho bạn nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý giá. 

  • Cơ hội việc thật làm thật: Với xu hướng các cuộc thi hướng tới là tạo ra môi trường mô phỏng chân thật nhất môi trường làm việc hiện đại, đề bài bạn nhận được sẽ chính là những yêu cầu của môi trường làm việc thực tế, các tình huống có thể phát sinh trong tương lai. Các cuộc thi sinh viên cũng như cuộc thi thử trước khi bạn bước đến cuộc thi thật là thị trường tuyển dụng và môi trường làm việc thực tế.
  • Được góp ý để cải thiện: Với một đề bài thực tế, đáp án của bạn cũng được đánh giá theo quy trình thực tế. Bạn sẽ biết được rằng: Chiến lược kinh doanh bản thân nghĩ ra có điểm mạnh và điểm yếu gì, Cách xử lý tình huống của mình đã hợp lý chưa và cần cải thiện gì.. 
  • Góp phần làm đẹp CV: Bằng việc nêu bật ra kết quả và những kinh nghiệm nổi bật đã học được từ cuộc thi đó, CV của bạn cũng sẽ ghi điểm hơn trước mắt nhà tuyển dụng.

Đi thi có cần Chiến lược?

Để không lãng phí thời gian và công sức, để gặt hái được những gì mình mong muốn bạn nên vạch ra cho mình một chiến lược hiệu quả.

  • Xác định rõ mục tiêu của bản thân: Bạn nên xác định rõ mục tiêu của mình khi đến với cuộc thi, mức độ nào đủ để thỏa mãn mục tiêu đó từ đó chọn lọc cuộc thi phù hợp với mục tiêu, tránh tham gia nhiều nhưng không hiệu quả.
  • Lên kế hoạch cụ thể: 
    • Vì phần lớn các cuộc thi sinh viên đều giới hạn đối tượng tham gia là sinh viên hoặc cử nhân tốt nghiệp không quá 2 năm nên hãy luôn nhớ rằng thời gian để tham gia là có hạn. Nên lên kế hoạch cụ thể cho bản thân ngay khi quyết định thi để tránh lãng phí thời gian.
    • Một timeline cụ thể cho những việc bạn cần chuẩn bị (từ việc tích lũy kiến thức, kĩ năng cần thiết đến việc tập dượt làm quen với mô hình cuộc thi) sẽ giúp bạn nghiêm khắc hơn với bản thân, cũng như sắp xếp đủ quỹ thời gian mình cần để đầu tư cho cuộc thi.

Làm thế nào để biết mình đã NHẬN ĐƯỢC điều mình MUỐN chưa?

  • Xin feedback từ mọi người: Những người xung quanh  người thân thiết, hoặc bạn bè, mentor mới gặp ở các cuộc thi đều có thể nhận ra và đánh giá sự tiến bộ hoặc thay đổi của bạn. Hỏi xin những góp ý, nhận xét của mọi người để biết điểm mạnh và điểm yếu của mình là gì, mình nên cải thiện ở điểm nào. Bạn có thể hỏi người bạn tin cậy liệu rằng: Bạn có hợp để làm ngành này không? Bạn có đủ kinh nghiệm và kỹ năng để bắt đầu một vị trí nào đó chưa? 
  • Self reflect sau cuộc thi: Sau mỗi cuộc thi bạn nên dành thời gian suy ngẫm lại mình đã học được gì, mình tiến bộ thêm những gì. Để từ đó rút ra được liệu mình đã đạt được mục tiêu, giá trị đề ra hay chưa.

Bạn có thể tham khảo tại:

Liệu cuộc thi có phải bệ phóng hay bước ngoặt thay đổi cuộc đời không hay không, đó là do bạn quyết định. Bằng cách hiểu rõ cơ hội, làm chủ mục tiêu, làm chủ bước đi của mình, bạn sẽ làm chủ chính những bước ngoặt, thay đổi mà cuộc thi sinh viên mang lại cho bạn.